Hoàng đế Minh mạng từng ví tổ Yến như là mảnh trăng non thuần khiết, hương vị thơm ngon, vừa có độ mềm mại hòa quyện với vị giòn giòn đặc biệt. Ngày xưa, chỉ có trong cung vua, phủ chúa hay giới quý tộc mới có món ăn từ yến sào. Khái niệm “yến tiệc”, “đại yến” cũng xuất hiện từ những bữa tiệc linh đình, thiết đãi các món ăn quý từ yến sào.
Nét tao nhã trong việc thưởng thức món yến
Thưởng thức yến sào không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức vị ngon của tinh hoa đất trời mà còn là sự cảm thụ nét tinh tế và kỳ công trong nghệ thuật chế biến món ăn.
Nét tao nhã trong việc thưởng thức các món ngon từ yến sào không chỉ nằm ở cách xử lý yến mà còn là sự hài hòa trong hương vị và sắc màu. Đó là màu trắng ngà chủ đạo của sợi yến điểm xuyết màu vàng của hạt sen, màu đỏ của táo hay vài lát nấm hương nổi bật trong cái sắc trong leo lẻo của nước dùng. Đó là hương vị đồng nhất của ngọt thanh từ yến, thơm từ nấm và sự thanh thoát từ các phụ liệu đi kèm như hạt sen, táo khô…
Các món ăn từ yến sào hiện nay đã được chế biến theo nhiều hình thức phong phú hơn xưa, tuy nhiên, vẫn luôn mang đến cho người thưởng thức một cảm giác đặc biệt.
Sách xưa ghi lại những giá trị dinh dưỡng từ yến
Hải Thượng Lãn Ông đã từng viết trong bộ Hải thượng Y tông tâm lĩnh, yến sào có công dụng “bồi dưỡng cơ thể, cải lão hoàn đồng”. Ông cũng cho rằng, loại thực phẩm này phù hợp với mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt đem lại tác dụng tốt cho những người đang có bệnh không ăn được cơm, cơ thể suy nhược, người cần hồi phục sức khỏe nhanh.
Còn theo Sách “Thực vật tất khảo ký lục” do Hoàng Xuân Hãn dịch, ghi lại các món ăn có từ cách đây hơn 250 năm, thì yến sào không được liệt kê thành một món ăn, mà chỉ làm gia vị. Điều đó cho thấy, yến sào rất quý và bổ dưỡng, chỉ cần một lượng rất nhỏ là đủ.