YẾN SÀO NON NƯỚC là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, mỗi ki-lô-gam tổ yến có giá thành từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Nghề nuôi chim yến đang là một trong những nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nước ta. Nhưng để yến sào của Việt Nam có thể xuất khẩu ra thị trường các nước, cần được quy hoạch kỹ và có chiến lược quảng bá tốt trong thời gian tới.
Tiềm năng và thách thức phát triển nghề nuôi chim yến
Nước ta có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến do có bờ biển dài, nhiều đảo và các dãy núi nhô ra biển, ra các đầm, phá. Chất lượng sản phẩm yến sào của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Nhờ vậy, sản phẩm yến sào được nhiều khách hàng ưa chuộng. Bên cạnh đó, các đơn vị nuôi yến và chế biến sản phẩm yến sào đã có kinh nghiệm cũng như bí quyết kỹ thuật trong khai thác, sản xuất rất khoa học và hiệu quả. Đây là một lợi thế để cạnh tranh và chiếm lĩnh vị thế trên thị trường xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nước ta có 42/63 tỉnh, thành phố đang nuôi chim yến với tổng số hơn 8.300 nhà yến. Khu vực tập trung nhiều nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Đông Nam Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Hiện nay, giá trung bình 1.500-2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm này mang lại nguồn thu 100-125 triệu USD/năm cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thấy được tiềm năng phát triển, những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này đã áp dụng công nghệ cao ở các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn. Người nuôi yến cũng được trang bị nhiều kiến thức thực tế, được tập huấn kỹ thuật dẫn dụ và khai thác yến sào. Việc hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm yến sào đã được Nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm. Bộ NN&PTNT cũng tăng cường công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm về yến, đồng thời có các chương trình phối hợp giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, chi hội yến sào để quảng bá mạnh mẽ hơn hình ảnh yến sào Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thừa nhận: Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát. Ở nước ta vẫn chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và vẫn xuất thô là chủ yếu, nên giá trị xuất khẩu không cao. Tiềm năng lớn và những khó khăn, hạn chế vẫn tồn tại song song, khiến không ít nhà đầu tư trăn trở với sản phẩm yến sào của Việt Nam.
Do phát triển mang tính tự phát, nên nghề nuôi chim yến thiếu những quy định về điều kiện chuồng trại; nhà đầu tư chưa nghiên cứu đầy đủ các điều kiện về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của loài chim yến. Vì thế, nhiều nơi xây nhà xong mà chim yến không về làm tổ, hoặc ở những vùng có khí hậu lạnh, nhiệt độ thấp làm chim yến chết. Mặc dù nuôi chim yến đã phát triển trở thành một ngành kinh tế có sức tăng trưởng cao ở nhiều địa phương, nhưng lại chưa được điều chỉnh trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Do đó, việc quản lý an toàn dịch bệnh cho người và vật nuôi chưa được bảo đảm; việc quản lý, kiểm soát số lượng chim yến gây nuôi, cũng như các loại sản phẩm hết sức lỏng lẻo. Cùng với đó, việc mua bán sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định, người tiêu dùng còn bị ép giá; đầu tư vào khâu chế biến chưa được chú trọng, chưa có tiêu chuẩn sản phẩm đối với mặt hàng này…
Giải pháp đưa yến sào Việt Nam bay xa.
Trên thực tế, tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến ở nước ta rất lớn. Nó tạo việc làm, thu nhập đáng kể cho người dân và địa phương, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến. Phát triển nghề nuôi chim yến cần có quy hoạch vùng, có những giải pháp đồng bộ về công tác quản lý để có thể phát triển bền vững. Theo đó, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách đầu tư phát triển nghề nuôi chim yến, nhất là chim đảo, gắn với phát triển kinh tế biển; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phát triển nghề nuôi chim yến; có chính sách bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn thức ăn cho chim yến và nâng cao chất lượng sản phẩm; từ đó định vị thương hiệu quốc gia, bảo đảm vị thế cạnh tranh của sản phẩm yến sào Việt Nam trên thương trường thế giới.
Bên cạnh những yếu tố trên, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần quy hoạch, phát triển vùng kiếm ăn cho chim yến; phục hồi và phát triển diện tích trồng rừng, kết hợp trồng mới hằng năm; tăng cường trồng các loại cây dẫn dụ côn trùng xung quanh nhà yến và khu vực lân cận cơ sở nuôi chim yến. Mặt khác, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ nguồn tài nguyên chim yến, nhất là sự quan tâm của cộng đồng đến hệ sinh thái rừng, vùng đất ngập nước để phát triển nguồn thức ăn cho chim yến. Đặc biệt, phải đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phòng trừ dịch bệnh, nâng cao công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến, nâng cao chất lượng sản phẩm để có đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Để yến sào Việt Nam có sức cạnh tranh lớn trên thương trường quốc tế, phát triển thị trường phải gắn với đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm từ tổ yến”. Đó là việc phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ giữ vai trò quan trọng định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết, làm tiền đề để thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả nghề nuôi chim yến. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tổ chức, giới thiệu, quảng bá thương hiệu qua các hội chợ, triển lãm thương mại trong nước và quốc tế, thường xuyên có hội thảo khoa học phát triển nghề nuôi chim yến. Có như vậy, các sản phẩm yến sào của Việt Nam mới vươn xa, vươn rộng ra thị trường nước ngoài, góp phần phát triển và hội nhập kinh tế của nước ta với bè bạn năm châu.
Nguồn tin : #yensaononnuoc
Hotline : 0973 97 03 03 – 0916 97 03 03 .
www.yensaononnuoc.com